0799 10 8989

Yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ

Yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ

TCVN 11856:2017 – Tiêu chuẩn quốc gia về Chợ kinh doanh thực phẩm đã đưa ra yêu cầu:

Yêu cầu chung đối với các cơ sở kinh doanh tại chợ 

– Có biển hiệu ghi rõ tên mặt hàng kinh doanh; họ và tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ của chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm.

– Thực hiện vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh doanh thực phẩm và lối đi hay không gian xung quanh quầy hàng của mình (khu vực trước, sau, phía hai bên của quầy hàng).

– Trang bị đầy đủ, sử dụng thùng rác có nắp đậy, có biện pháp phân loại rác thải và thu dọn, vệ sinh hàng ngày.

– Có đủ trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm an toàn và được vệ sinh sạch sẽ phục vụ kinh doanh, bảo quản thực phẩm phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất và đặc thù sản phẩm kinh doanh.

– Thực phẩm sống được bày bán cánh ly thực phẩm chín để tránh gây lây nhiễm chéo bằng thiết bị, dụng cụ bảo quản phù hợp.

– Sản phẩm thực phẩm không để chung với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng có khả năng gây mất an toàn thực phẩm.

– Bảo đảm sử dụng, kinh doanh chất phụ gia thực phẩm, chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất tiêu độc an toàn không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người và không gây ô nhiễm môi trường; thuộc danh mục được phép sử dụng và không vượt quá giới hạn cho phép. Không sử dụng, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất tiêu độc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có thời hạn sử dụng.

– Không bày bán thực phẩm trực tiếp trên mặt sàn chợ.

– Thực phẩm kinh doanh tại chợ bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với các cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật

– Các loại sản phẩm động vật bày bán bảo đảm vệ sinh thú y.

– Bàn bán sản phẩm động vật không bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn từ mặt sàn, cao cách sàn chợ ít nhất 60cm, mặt bàn được làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, không thôi nhiễm, không bị ăn mòn, có bề mặt nhẵn, dễ làm vệ sinh và khử trùng; có thiết bị chống các loại côn trùng, động vật gây hại.

– Dao, thớt và các dụng cụ khác dùng pha lọc và chứa đựng sản phẩm động vật được làm bằng vật liệu không gỉ, dễ làm vệ sinh và khử trùng; không sử dụng các chất độc hại để bảo quản sản phẩm; làm sạch và khử trùng trang thiết bị, dụng cụ bày bán, pha lọc và chứa đựng sản phẩm động vật trước và sau khi bán bằng nước sinh hoạt.

Đối với các cơ sở bán thủy hải sản tươi sống

– Có trang thiết bị hoặc biện pháp để bày bán, duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm phù hợp với yêu cầu của sản phẩm.

– Bảo đảm không sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, hóa chất ngoài danh mục chất phụ gia, chất bảo quản, hóa chất được phép sử dụng của Bộ Y tế.

– Sàn của cơ sở bán thủy hải sản có độ dốc thu nước cục bộ trong phạm vi các lô quầy, tránh nước chảy vào diện tích lối đi của khách hàng.

– Các dụng cụ sử dụng trong quá trình bày bán được làm bằng vật liệu không thôi nhiễm, dễ vệ sinh.

Đối với cơ sở kinh doanh rau, củ, quả

– Bảo đảm không phun, ngâm, tẩm các loại hóa chất cấm (không có trong danh mục được phép sử dụng theo quy định) để  bảo quản rau, củ, quả.

– Có trang thiết bị, dụng cụ bày bán rau, củ, quả hợp vệ sinh bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống

– Nơi chế biến, nơi bán thức ăn phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau để dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.

– Có đủ dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản thực phẩm và được rửa sạch, làm khô trước khi sử dụng; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; vật liệu, bao gói thực phẩm ăn ngay, thực phẩm chín bảo đảm an toàn thực phẩm.

– Nguyên liệu sử dụng trong chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thức ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

– Thực phẩm được bày bán trong trang thiết bị bảo quản phù hợp, hợp vệ sinh, chống được bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại.

– Bảo đảm không sử dụng các chất phụ gia thực phẩm không có trong danh mục được phép sử dụng.

– Mặt bàn cách mặt sàn chợ tối thiểu 60 cm.

Đối với các cơ sở kinh doanh các loại thực phẩm khô và các loại thực phẩm khác

– Cơ sở đủ trang thiết bị, dụng cụ duy trì bày bán, bảo quản thực phẩm, bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Thực phẩm bày bán ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng theo quy định, không bày bán thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (mốc, quá hạn sử dụng, bảo quản bằng hóa chất không được phép sử dụng…).

Yêu cầu đối với người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm tại chợ

Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm có kiến thức an toàn thực phẩm.

Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm có đủ sức khỏe theo quy định; đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của cơ quan có thẩm quyền, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm được các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên xác nhận không mắc dịch.          Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến và không bao gói, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm sử dụng bảo hộ lao động (găng tay, khẩu trang).

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc

Sản phẩm kinh doanh tại chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc. Có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán sản phẩm; bảo đảm truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm để sản xuất và thực phẩm kinh doanh tại cơ sở. Các thông tin cần thiết bao gồm: tên, địa chỉ của người cung cấp; tên loại hàng hóa cung cấp; ngày giao hàng; số lượng, khối lượng hàng hóa được cung cấp.

Tìm hiều thêm về ISO 22000 – 2018 Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm

Share this post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *